DỊCH CORONA - BÁN HÀNG ONLINE LÊN NGÔI MÙA DỊCH !
25/03/2020 16:55
Mua hàng trực tuyến trong mùa dịch
Hai tháng trở lại đây, các siêu thị, quán ăn, luôn rơi vào tình trạng vắng vẻ, bởi người tiêu dùng lo sợ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 ở những chỗ đông người. Thậm chí chợ truyền thống cũng ít người mua bán hơn. Kết quả khảo sát về phản ứng và hành xử của người tiêu dùng trước dịch COVID-19 vừa được Nielsen Việt Nam kết hợp với Infocus Mekong Mobile Panel thực hiện cho thấy, 50% người dân đã giảm tần suất ghé thăm các siêu thị, cửa hàng tạp hóa và chợ truyền thống. Bên cạnh đó, 25% số người được hỏi nói rằng họ đã tăng cường mua sắm trực tuyến và giảm các hoạt động mua sắm bên ngoài.
Nếu như trước đây, các mặt hàng chào bán trên mạng xã hội chỉ dừng lại ở một số loại cơ bản, như: quần áo, giày dép, mỹ phẩm thì hiện nay, người tiêu dùng có thể tìm thấy tất cả các mặt hàng ở các chủng loại khác nhau trên mạng. Và chỉ cần vài thao tác đơn giản, người tiêu dùng có thể chọn mua cho mình mọi thứ, từ đồ ăn, chăm sóc sức khỏe đến máy móc, thiết bị điện tử... một cách tiện lợi, nhanh chóng mà không phải tiếp xúc nơi đông người.
Theo đại diện Siêu thị Co.opmart Hà Đông (Hà Nội), do ảnh hưởng của dịch bệnh mà dịch vụ giao hàng tận nhà của đơn vị tăng đáng kể, từ chỗ chỉ có khoảng 30-40 đơn hàng/ngày thì nay có những ngày trên 100 đơn hàng. Để hỗ trợ cho khách hàng mua hàng online, siêu thị áp dụng chế độ miễn phí giao hàng với những đơn hàng từ 200.000 đồng ở khu vực nội thành. Tương tự, hệ thống siêu thị Big C cũng đang tăng cường hình thức mua sắm online để người tiêu dùng có thể ngồi nhà mà vẫn nhận được lương thực, thực phẩm, đồ tiêu dùng hàng ngày khi có nhu cầu. Không chỉ các cửa hàng, người bán online có số lượng đơn hàng tăng vọt, mà ngay tại các hàng ăn có tiếng của Hà Nội, số lượng “đơn ship” thông qua các ứng dụng Grab, Foody, Aha... cũng tăng lên trông thấy.
Có thể thấy, việc mua sắm trực tuyến đã phát huy tác dụng to lớn trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 hiện nay. Không chỉ thuận tiện, việc mua hàng online còn giúp người dân phòng tránh các nguy cơ lây nhiễm của dịch bệnh và giúp trong việc buôn bán kinh doanh của các doanh nghiệp, cửa hàng... bớt khó khăn. Tuy nhiên, người mua hàng cũng nên thận trọng khi đưa ra các quyết định mua sắm của mình để tránh các trường hợp bị lừa đảo qua mạng.
Theo đó, người dân cần lựa chọn những trang bán hàng uy tín để giao dịch, tìm hiểu kỹ về thông tin sản phẩm như giá thành, chất lượng, hạn sử dụng... để đảm bảo quyền lợi của chính mình. Bên cạnh đó, khi thực hiện thanh toán trực tuyến cũng nên thận trọng để không bị lộ thông tin. Ngoài ra, nên giữ lại hóa đơn khi đã nhận hàng để làm bằng chứng trong các trường hợp bảo hành, đổi trả, hoàn tiền...
Cơ hội giúp các doanh nghiệp vượt khó
Dịch Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới gây ảnh hưởng nghiêm trọng đếnhoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Các chuyên gia kinh tế của hãng tư vấn Oxford Economics ước tính, dịch Covid-19 có thể khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại hơn 1.000 tỷ đô la Mỹ. Nhóm chuyên gia thuộc Bank of America Corp dự báo, tăng trưởng GDP toàn cầu năm nay sẽ chỉ đạt 2,8%, mức yếu nhất kể từ năm 2009.
Trước dự báo nền kinh tế trượt dốc, các doanh nghiệp đang tìm cách vượt qua khó khăn. Trong bối cảnh đó, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng các doanh nghiệp phải bình tĩnh đối phó với dịch bệnh, tìm hướng đi mới trên nền tảng công nghệ. Theo đó, các doanh nghiệp tận dụng thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đẩy mạnh hoạt động kinh doanh online, dựa trên nền tảng thương mại điện tử và các dịch vụ trực tuyến.
Theo Bộ Công Thương, mở rộng kênh bán hàng online, huy động các doanh nghiệp thương mại điện tử, logistics vào cuộc mạnh mẽ là một trong những giải pháp nhằm hỗ trợ người tiêu dùng tăng mua sắm nhưng vẫn hạn chế đến chỗ đông người trong thời kỳ dịch bệnh, qua đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Trước tình hình kinh doanh khó khăn trong mùa dịch, nhiều doanh nghiệp, hệ thống siêu thị hay các chủ cửa hàng đã đẩy mạnh việc bán hàng online thông qua website hay mạng xã hội Facebook, Zalo... để tăng doanh số. Một số sàn thương mại điện tử cũng đã chọn hình thức hợp tác cùng siêu thị với nhiều hình thức ưu đãi, khuyến mãi lớn để thu hút người tiêu dùng tăng mua qua kênh trực tuyến.
Theo đánh giá của Sở Công thương Thành phố Hồ Chí Minh, xu hướng tiêu dùng, mua sắm tại các kênh bán lẻ hiện đại tại thành phố ngày càng mở rộng và phát triển, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang tiếp tục diễn biến phức tạp. Hiện Thành phố là địa phương có thị trường hoạt động thương mại điện tử lớn nhất nước. Các kênh phân phối thương mại điện tử được các đơn vị triển khai đa dạng, theo mô hình website bán hàng, sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội. Các ứng dụng thanh toán điện tử được triển khai rộng khắp đã hỗ trợ hiệu quả cho giao dịch thương mại điện tử, như thanh toán thông qua thẻ, thanh toán online, thanh toán trực tiếp qua điện thoại di động…
Theo kế hoạch phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016-2020, Chính phủ đặt mục tiêu vào năm 2020, doanh số thương mại điện tử doanh nghiệp-người tiêu dùng sẽ tăng 20%/năm, đạt 10 tỷ USD, chiếm 5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Ước tính mỗi người Việt sẽ dành khoảng 350 USD chi cho mua sắm qua mạng, gấp hai lần so với năm 2015./.
⇒ Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc cũng như có kế hoạch để bắt đầu kinh doanh bằng các hàng hóa từ Trung Quốc hãy liên hệ với Thiên Hà Express để được hỗ trợ và tư vấn về việc nhập hàng một cách cụ thể và chi tiết nhất.
Thiên Hà Express hân hạnh được phục vụ bạn !
ĐỘI NGŨ THIÊN HÀ EXPRESS TRÂN TRỌNG THÔNG BÁO !!!
================================
-
THIÊN HÀ EXPRESS - VẬN CHUYỂN HÀNG TRUNG QUỐC SỐ 1 VIỆT NAM
Website: Thienhaexpress.com
-
SĐT Kho HN: 0346.713.093/ 0355.064.056
-
SĐT Kho SG: 0901 758 419
-
Hotline khiếu nại: 0961 894 936 (chỉ nhận zalo, wechat)
-
Email: Dathangquangchau24h@gmail.com
-
Fanpage: https://www.facebook.com/thienhaexpresscom/
-